Ngày 11/12, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025. Trong đó nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.
Theo đó, Chỉ thị này nghiêm cấm việc biếu quà Tết cho cấp trên, nhằm ngăn chặn các hành vi lợi dụng truyền thống tặng quà để mưu cầu lợi ích cá nhân, đồng thời tạo ra sự công bằng và minh bạch trong quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới.
Tuy nhiên, việc ra chỉ thị yêu cầu không tổ chức thăm hỏi, chúc Tết cấp trên của Đảng Cộng sản Việt Nam, năm nào cũng thấy. Nhưng, về thực chất hoàn toàn mang tính hình thức, và không đạt được kết quả như mong muốn.
Công luận thấy rằng, việc biếu xén, tặng quà cho cấp trên, đặc biệt trong dịp Tết, là một hiện tượng phổ biến và khó tránh khỏi trong xã hội Việt Nam hiện nay. Với lý do, tặng quà vào dịp lễ, Tết là một nét đẹp, thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng đối với người trên. Tuy nhiên, truyền thống này đã bị biến tướng, khi quà tặng trở thành phương tiện để đạt được lợi ích cá nhân.
Tình trạng các quan chức lợi dụng quyền lực để ban phát lợi ích, dẫn đến việc cấp dưới cảm thấy cần biếu quà để được ưu ái hoặc thăng tiến. Bên cạnh đó, một số đông cấp dưới lo ngại rằng nếu không biếu quà cho lãnh đạo, sẽ dẫn đến việc bị cô lập, hoặc mất cơ hội trong công việc.
Nhất là trong thời điểm hiện nay, việc tổ chức tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị đang được phát động rầm rộ. Việc nghiêm cấm biếu quà Tết cho cấp trên sẽ mang một ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo đó, việc giải quyết triệt để tình trạng “chạy chức, chạy chỗ” là yếu tố then chốt để đảm bảo thành công của quá trình tinh gọn bộ máy. Nhưng nếu không có cơ chế giám sát và xử lý vi phạm chặt chẽ, việc cấm tặng quà Tết có thể cũng không ngăn chặn được các hành vi tiêu cực trong bộ máy hành chính.
Theo giới quan sát, tình trạng “chạy chức, chạy chỗ” đã trở thành vấn đề đáng lo ngại. Một số cá nhân có thể lợi dụng việc tái cơ cấu để thăng tiến, hoặc duy trì vị trí thông qua các biện pháp không minh bạch.
Để duy trì lợi ích cá nhân, một số lãnh đạo có thể tạo ra các vị trí không cần thiết, hoặc không có chức năng rõ ràng, nhằm giữ lại nhân sự thân quen không đủ năng lực. Cao hơn nữa, một số lãnh đạo cấp cao sẽ sử dụng ảnh hưởng để can thiệp vào quy trình bổ nhiệm, để đảm bảo vị trí cho bản thân hoặc người thân, bất chấp quy định và tiêu chuẩn.
Điều này làm suy yếu mục tiêu nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của bộ máy nhà nước, cũng như tạo ra môi trường làm việc không công bằng, khiến những người làm việc chân chính mất động lực và niềm tin vào hệ thống.
Những thách thức trong việc thực thi chủ trương tinh gọn bộ máy, bao gồm cả vấn đề “chống chạy chức, chạy chỗ”, đã và đang đòi hỏi quyết tâm của ban lãnh đạo Việt Nam.
Ngày 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy cần chống “chạy chọt”, xóa bỏ cơ chế xin cho, và chống lợi ích cá nhân, để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của hệ thống hành chính công.
Theo giới chuyên gia, để khắc phục tình trạng này, cần công khai các tiêu chí và quy trình bổ nhiệm, thăng tiến để đảm bảo tính công bằng và minh bạch. Cũng như cần thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ, minh bạch hóa quy trình bổ nhiệm, và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến các hành vi “chạy chức, chạy chỗ”.
Đây là những yếu tố then chốt để đảm bảo thành công của quá trình tinh gọn bộ máy, hướng tới một hệ thống chính trị hiệu quả và minh bạch hơn.
Hơn thế nữa, để giải quyết vấn đề này, cần có sự tự giác từ phía lãnh đạo trong việc từ chối nhận quà. Bởi chỉ khi cả người tặng và người nhận đều ý thức được tác hại của việc biếu quà không trong sáng, hiện tượng này mới có thể được giảm thiểu.
Trà My – Thoibao.de