Bài học làm “công bộc” của dân: Tổng Bí thư Tô Lâm và các quan chức hẳn đã quên?

Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữa quyền lực vào tháng 8/1945, theo giới quan sát, “cụm từ công bộc” của dân thường xuyên xuất hiện trong công tác tuyên truyền.

Cụm từ “công bộc của dân” ám chỉ những người lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có trách nhiệm và nghĩa vụ phục vụ nhân dân. Theo từ điển Hán Việt, “công” có nghĩa là của chung, “bộc” có nghĩa là đầy tớ. Do đó, từ “công bộc” là để chỉ người đầy tớ chung của nhân dân.

Tư tưởng này được ông Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong nhiều bài viết và phát biểu. Theo đó, các cơ quan của Chính phủ đều là công bộc của dân. Kể cả, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vào tháng 7/2011, sau khi tái cử nhiệm kỳ Thủ tướng lần 2 cũng từng hứa nguyện làm “công bộc của nhân dân”.

Cựu Thủ tướng Ba Dũng đã cam kết phục vụ nhân dân hết mình, đồng thời cũng quyết tâm chống tham nhũng, và sự lạm quyền của các quan chức lãnh đạo trong nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Tuy nhiên, kể từ đó cho đến nay, mặc dù khẩu hiệu “công bộc của dân” được đề cao, đã có nhiều lãnh tụ cộng sản vẫn đưa ra các cam kết hùng hồn. Nhưng trong thực tế, đại đa số các cán bộ, lãnh đạo cấp cao của Đảng vẫn chưa thực hiện đúng.

Sự mâu thuẫn giữa các tuyên bố và thực tiễn về vai trò “công bộc của dân” được thể hiện rõ nhất, trong những trường hợp mà công an thay vì bảo vệ dân, lại có hành vi bạo lực với người dân. Hiện tượng người dân thường xuyên đột nhiên “tử vong” trong đồn công an là những bằng chứng không thể bác bỏ.

Hay câu chuyện sự chênh lệch trong việc xử lý các vụ án trộm cắp nhỏ lẻ, và các vụ tham nhũng lớn tại Việt Nam, lâu nay đã gây ra nhiều tranh cãi và bức xúc trong dư luận. Một số vụ án trộm cắp tài sản có giá trị không lớn nhưng bị cáo phải nhận mức án nặng, trong khi đó, nhiều quan chức tham nhũng với số tiền lớn lại nhận hình phạt nhẹ hơn hoặc chỉ bị cảnh cáo.

Công luận thấy rằng, sự phân biệt đối xử, hay sự chênh lệch trong việc xử lý các vụ án như vừa kể, không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật, mà còn đặt ra thách thức lớn cho công tác phòng, chống tham nhũng, và đảm bảo công bằng xã hội.

Mà câu chuyện “thằng nhân dân” ở miền Tây ăn cắp 2 con vịt để nhậu chơi, thì bị kết án 7 năm tù giam. Còn quan chức lãnh đạo xà xẻo ăn cắp hàng ngàn tỷ tiền thuế của nhân dân, thì chỉ bị buộc nộp lại 3/4, và chỉ nhận cảnh cáo là hết chuyện.

Nguyên nhân của sự chênh lệch này được cho là do khung pháp lý và áp dụng luật pháp. Theo đó, Bộ luật Hình sự Việt Nam đã quy định các mức án khác nhau cho từng loại tội phạm. Tuy nhiên, việc áp dụng luật của các “công bộc” của dân trên thực tế là hết sức tùy tiện, bởi lý do “nén bạc, đâm toạc tờ giấy”, từ đó, dẫn đến tình trạng xử lý không công bằng giữa các vụ án. Tội “Trộm cắp tài sản” có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm, tùy theo giá trị tài sản và tình tiết tăng nặng. Trong khi đó, tội “Tham ô tài sản” hoặc “Nhận hối lộ” có thể bị phạt tù từ 2 năm đến tử hình.

Nhưng việc áp dụng mức án tử hình cho tội danh tham nhũng, kể cả các vụ án với giá trị tài sản tham nhũng lên tới số tiền ngàn tỷ thường rất hiếm hoi.

Trong công cuộc tinh gọn bộ máy nhà nước đang được xúc tiến hết sức tích cực hiện nay, công luận đặt hy vọng với Tổng Bí thư Tô Lâm, với việc thay máu cho bộ máy công bộc của nhân dân, đồng thời làm đúng lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.

 

Trà My – Thoibao.de