Tối 18/12, Hà Hội xảy ra vụ cháy thảm khốc khiến 11 người tử thương, nhưng lần này không phải là một tai nạn, mà là một án mạng.
Vụ cháy xảy ra tại quán cà phê “Hát cho nhau nghe”, ở số 258 – 260 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đội cứu hộ đưa được 7 người ra ngoài, nhưng còn 11 người không thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nguyên nhân của vụ án, được xác định là do một người đàn ông cố ý tạt xăng đốt, chỉ vì mâu thuẫn cá nhân.
Hung thủ là ông Cao Văn Hùng, 51 tuổi. Theo lời khai, thì ông Hùng ngồi uống bia một mình, sau đó đã xảy ra mâu thuẫn với một nhóm khách 7 người. Hai bên đã kéo nhau ra đường Phạm Văn Đồng để “giải quyết xích mích”. Vì yếu thế hơn nên ông Hùng đã bị đánh, sau đó, ông này chạy đi mua 150.000 đồng tiền xăng (chừng 7 lít), và gây ra thảm họa trên.
Đáng nói hơn là, hung thủ khai nhận tại cơ quan điều tra, như kể một câu chuyện không liên quan đến ông, không hề run sợ, hoảng loạn, hay ân hận về tội ác của mình.
Lâu nay, xã hội Việt Nam vẫn tồn tại những vấn đề đáng báo động về đạo đức. Ra đường, chỉ cần va chạm rất nhẹ, nhưng người ta lại sẵn sàng hùng hổ lao vào hành hung nhau.
Mới đây, tại Sài Gòn, một thanh niên côn đồ đã đánh tới tấp một cô gái tại quận 4, chỉ vì va quẹt nhẹ; một tài xế đánh người ngay trước Bệnh viện Từ Dũ… Một xã hội mà con người chỉ chực chờ để lao vào nhau cắn xé, như bầy thú, có nguyên nhân từ đâu?
Người ta nói, nền chính trị nào thì nhân dân đấy, ắt không sai. Khi nền chính trị khiến cho xã hội bất an, ngay cả trong những sinh hoạt bình thường nhất, thì con người trở nên hung dữ hơn.
Ở một xã hội văn minh, một tiếng xin lỗi chân thành có thể hóa giải mâu thuẫn. Nhưng với xã hội man rợ, sự so kè hơn thua, bản tính thích ra oai, khiến người ta khó mở lời xin lỗi. Điều này gây nguy hiểm cho xã hội, vì có thể thổi một đốm lửa nhỏ, thành một đám cháy lớn, thiêu rụi tất cả.
Điều đáng nói là, người Việt đang ngày càng ít nói lời “xin lỗi”.
Vụ cháy ở Hà Nội nói trên, là một vụ án nghiêm trọng, đáng lẽ phải được bảo vệ thông tin trong quá trình điều tra. Nhưng không hiểu sao, clip lời khai của hung thủ Cao Văn Hùng lại được tung tràn lan trên mạng? Điều này, nếu không phải do phía công an điều tra cố ý tung ra, thì cũng là do sự bất cẩn của họ. Nếu hung thủ còn đồng phạm, thì clip này bị tung ra, sẽ khiến những đồng phạm kia tìm ra cách đối phó.
Hơn nữa, việc để lộ thông tin quá sớm, khiến nhiều người liên tưởng đến những vụ án oan, như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn được công an “dạy” cho lời khai.
Ngoài ra, cần nói thêm về vấn đề chữa cháy và cứu hộ. Tháng 9/2023, Hà Nội xảy ra vụ cháy chung cư mini, tại số nhà 37 ngõ 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, khiến 56 người chết. Khi ấy, ông Đinh Tiến Dũng – Bí thư Thành ủy, đã ra công văn cho tổng rà soát phòng cháy chữa cháy.
Đến tháng 5/2024, một nhà trọ ở trọ 3 tầng ở số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, Cầu Giấy lại cháy, khiến 14 người chết.
Xa hơn, năm 2016, quán karaoke ở số 68 Trần Thái Tông cũng bị cháy, khiến 13 người thiệt mạng.
Có thể nói, cứ sau một thảm họa cháy, thì viên quan đứng đầu thành phố lại đích thân đến hiện trường, lại lên sóng chỉ đạo, lại ra công văn rà soát phòng cháy chữa cháy vv… Tuy nhiên, những điều này dường như không có tác dụng gì, trong việc phòng ngừa hỏa hoạn và nâng cao hiệu quả của công tác cứu hộ, lực lượng và phương tiện cứu hộ vẫn tỏ ra yếu kém như trước.
Việc quan chức có mặt tại hiện trường, chỉ trỏ chỉ đạo, chỉ là để làm màu, cho báo chí quay phim chụp ảnh. Còn công tác quản lý thì vẫn bỏ ngỏ cho nhiệm kỳ sau. Đây chính là thứ tư duy nhiệm kỳ độc hại, đã và đang tồn tại trong chế độ này.
Hoàng Phúc – Thoibao.de