Hưng Yên bốc thơm “Tô lãnh tụ”, phải chăng Tô Lâm biết xấu hổ?

“…Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tướng Tô Lâm được nhân dân tin quý

Ông gắn bó cả đời với lực lượng công an

Một Đại tướng, Bộ trưởng hiếm hoi biết thẩm tranh, thưởng nhạc thường xuyên

Thực đơn tinh thần là nghe hoà nhạc

Nhờ ông, Nhà hát Hồ Gươm tầm quốc tế ra đời

Làm sang cho nghệ thuật biểu diễn quốc gia, cho vị thế Việt Nam trong bang giao văn hoá…”

Đây là một trích đoạn trong bài thơ “Hưng Yên bay lên” của nhà thơ Vi Thùy Linh, được sáng tác ngày 8/1 và đăng trên báo Hưng Yên. Bài thơ này hiện đã bị gỡ khỏi trang Web của tờ báo, không biết do ai chỉ đạo? Có lẽ, chính ông Tô Lâm đã chỉ đạo rút bài.

Cộng sản là một chế độ mị dân. Ban Tuyên giáo Trung ương được Đảng lập ra để chỉ đạo báo chí thần thánh hóa lãnh tụ, tô hồng lãnh đạo, nhằm lừa bịp dân chúng. Trong 80 năm qua, bộ máy tuyên truyền này vẫn hoạt động, và sẽ còn hoạt động đến khi nào chế độ này sụp đổ.

Tự cổ chí kim, không triều đại nào dung dưỡng cho loại xu nịnh, mà có thể thịnh vượng. Không một ông vua nào thích xu nịnh, mà lại là minh quân, chỉ có thể là hôn quân. Chế độ Cộng sản còn lập ra cả bộ máy tuyên truyền khổng lồ, và nuôi lớn thành phần xu nịnh, bợ đỡ cho chế độ. Như vậy, liệu có một ai trong số họ, bỗng chốc trở thành minh quân, được hay không?

Chỉ có chế độ này mới có thể tạo ra những ông giáo sư chuyên bịa chuyện lãnh tụ, như ông Hoàng Chí Bảo. Cũng chỉ có chế độ này mới sản sinh ra “nhà thơ” nịnh bợ trơ trẽn như Vi Thùy Linh.

Từ trước đến nay, chế độ luôn bảo đảm cho thành phần nịnh bợ. Ấy vậy mà, bài thơ “Hưng Yên bay lên” lại bị chỉ đạo gỡ xuống. Có lẽ, vì tác giả bài thơ nịnh không khéo, không chuyên nghiệp.

Một bài thơ không vần, không điệu, không hàm chứa ý nghĩa nào sâu sắc; chỉ đơn thuần là tâng bốc thô thiển. Sau khi bài thơ này được đăng lên, ông Tô Lâm không những không được nở mặt, mà ngược lại, ông trở thành đề tài đàm tiếu, châm chọc của dư luận.

Thời đại internet toàn cầu, khiến cho người dân tiếp xúc thông tin nhiều hơn. Do đó, món ăn tinh thần của người dân cũng được nâng tầm, chứ không thể “nuốt trôi” loại nghệ thuật như “Hưng Yên bay lên”. Xem ra, bộ máy tuyên truyền của chế độ không theo kịp nhu cầu xã hội (?).

Thật ra, hình ảnh ăn bò dát vàng của ông Tô Lâm đã in sâu vào ký ức của xã hội, dính với tên ông, cho tới khi, ông trở thành người thiên cổ. Không cách nào có thể gột rửa được nữa. Với một “ông vua” dính mùi của”bể phốt”, thì có cố xịt lên đấy bất cứ loại “nước hoa” nào cũng thành mùi khó ngửi.

Việc cho đăng bài thơ nịnh bợ trên, rõ ràng, ông Tô Lâm là kẻ không biết xấu hổ. Việc gỡ bài, có lẽ là do tuyên truyền không hiệu quả, hoặc do “bài thơ” quá dở nên phản tác dụng. Trong chế độ này, gần như không có lãnh đạo nào biết xấu hổ. Bởi nếu biết xấu hổ, thì họ đã không vừa trơ trẽn dạy đạo lý cho dân, vừa ăn cắp – ăn cướp tài sản của dân?

Nịnh bợ, sùng bái cá nhân, được xem là một sản phẩm của chế độ chính trị thối nát, hoặc phản tiến bộ. Xã hội nào tiêm nhiễm nặng nề những tính xấu này, thì xã hội đó không thể phát triển, dù dân tộc đó có thông minh đến đâu. Chắc chắn rằng, ông Tô Lâm sẽ không dẹp Ban Tuyên giáo, mà ngược lại, ông còn muốn phát triển ngành này, để phù hợp với “điều kiện mới”.

Tham vọng của Tô Lâm là tạo ra “Kỷ nguyên vươn mình”, để đuổi kịp Hàn Quốc. Muốn làm được điều đó, đầu tiên, phải tẩy sạch tình trạng nịnh bợ, dẹp bỏ bộ máy “xu nịnh” Ban Tuyên giáo. Tuy nhiên, vì nịnh bợ là lá chắn bảo vệ chế độ, nên không bao giờ dẹp được. Cho nên, “kỷ nguyên vươn mình” cũng chỉ là khẩu hiệu suông, không có giá trị thực tiễn.

 

Trần Chương – Thoibao.de