1 triệu căn nhà ở xã hội – ý tưởng “điên rồ” hay dự án tinh vi của Nguyễn Thanh Nghị!

Dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp, là dự án đầy tham vọng của Nguyễn Thanh Nghị – Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ông Nghị từng du học Mỹ, chuyên ngành kỹ thuật xây dựng dân dụng. Tuy nhiên, những dự án, kế hoạch tương tự ở các nước tiến bộ, lại không áp dụng được tại Việt Nam.

Ở các nước tiến bộ, chính quyền trong sạch, quản lý xã hội tốt, khiến giá đất không vượt quá xa tầm với của người dân. Trong khi đó, ở Việt Nam, giá đất đai bị đẩy quá cao, xa tầm với của những người có thu nhập trung bình. Vậy nên, sẽ không thể kéo giá đất trở về, phù hợp với người có thu nhập trung bình và thấp. Đấy là điều rất dễ nhận ra, và người Việt Nam ai cũng biết.

Vậy, tại sao ông Nguyễn Thanh Nghị vẫn quyết tâm đề xuất dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội? Ông làm điều này có thật sự vì lợi ích của người có thu nhập thấp, như mục đích “cao cả” mà dự án đề ra? Hay vì lợi ích của một nhóm nào đó?

Ngày 15/5, báo VnExpress có phóng sự với tựa đề “Đại diện công nhân thành phố Hồ Chí Minh: “Nhà ở xã hội chỉ thấy trên tivi”’. Bài viết phản ánh thực trạng, dự án nói trên chỉ ồn ào trên truyền hình, còn thực tế, người thu nhập thấp vẫn không thể với tới được.

Như vậy, thực tế đã chứng minh, dự án của ông Nghị không đem lại lợi ích cho người nghèo. Vậy, câu hỏi đặt ra là, dự án này đem lại lợi ích cho ai?

Được biết, doanh nghiệp nhận dự án này sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, và dự án đang rơi vào tay các doanh nghiệp bất động sản đình đám, như VinGroup, Novaland, Kim Oanh Group vv…

Giả sử, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, nhưng người nghèo không nhận được những căn nhà này, mà rơi vào tay thành phần đầu cơ, thì điều gì xảy ra? Rõ ràng, lúc đó, chỉ có các chủ doanh nghiệp và thành phần đầu cơ hưởng lợi.

Đáng chú ý, khi dự án 1 triệu căn nhà ở xã hội được triển khai, thì Chính phủ cũng duyệt chi gói tín dụng 120 ngàn tỷ, để hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà. Tuy nhiên, đến nay đã 3 năm, gói tín dụng này vẫn tắc nghẽn, tiền không đến được tay người nghèo.

Xem ra, người nghèo đang bị chặn tất cả các ngả đường dẫn tới những ngôi nhà được dán mác là “nhà ở xã hội”. Dân nghèo không có tên trong danh sách mua nhà, dân nghèo cũng không được duyệt để vay tiền mua nhà. Như vậy, còn con đường nào dẫn dân nghèo đến với những ngôi nhà này?

Như vậy, những lợi ích từ các chính sách ưu đãi mang lại, sẽ chảy vào túi những ai?

Như mọi dự án công hay dự án ưu đãi, các doanh nghiệp thân hữu là kênh thu lợi từ ưu đãi chính sách, rồi sau đó lại quả cho quan chức.

Với vai trò là người khởi xướng đại dự án này, liệu ông Nguyễn Thanh Nghị có đứng ngoài, không xơ múi gì những khoản lại quả, đằng sau tấm mặt nạ đẹp đẽ của dự án này hay không?

Ở đất nước này, người nghèo chưa bao giờ được hưởng lợi ích gì từ chế độ. Chưa có đất nước nào, mà chính nhà nước lại lập ra công ty xổ số bất nhân, để bóc lột sức lao động của người già, người tàn tật, trẻ em, người nghèo vv.. như ở Việt Nam.

Ở đất nước này, không chỉ các dự án đánh bạc do nhà nước cầm cái, như các công ty xổ số, mà trong hầu hết các dự án đều có tính trục lợi. Các dự án đưa mục tiêu phục vụ người nghèo làm nhãn mác, thì đó chỉ là lợi dụng danh nghĩa, nhân danh người nghèo, để đưa ra những chính sách trục lợi.

Sẽ không có mấy người nghèo với tới được dự án nhà ở xã hội. Ai may mắn lắm mới được rơi vào trường hợp, mà những kẻ có quyền có thế ban phát cho, để làm màu, lấy hình ảnh quảng bá. Còn đa số người nghèo vẫn không được hưởng chút quyền lợi nào.

 

Thái Hà – Thoibao.de